Tại làng Hội Hiền, huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên, xứ Thanh Hóa xưa (nay thuộc xã Tây Hồ, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) có một ngôi đền nổi tiếng được gọi là đền Bà Am. Tương truyền đền được xây dựng từ đầu thế kỷ XV, sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Bình Định vương Lê Lợi đứng đầu đã giành thắng lợi hoàn toàn, quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi, giành lại nền độc lập cho đất nước. Ngôi đền do Lê Lợi cho xây dựng năm Mậu Thân (1428), sau khi ông ở ngôi hoàng đế. Qua thời gian, với biến thiên của lịch sử, đền được trùng tu, phục dựng nhiều lần. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, có lúc đền Bà Am trở thành nơi tập kết nguyên liệu và dùng làm xưởng quân giới Cao Thắng, sau này lại bị quân Pháp phá hoại thành đống đổ nát. Mãi đến cuối năm 1998 nhờ lòng hảo tâm công đức của bốn phương, ngôi đền đã được xây dựng lại. Đền Bà Am được Sở văn hóa tỉnh Thanh Hóa ra quyết định công nhận là di tích lịch sử văn hóa.
Thời kỳ giặc Minh đô hộ nước ta, gây bao tội ác bạo tàn, đàn áp dã man các cuộc khởi nghĩa. Trong bối cảnh đầy khó khăn đó, năm Mậu Tuất (1418), Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn.
Giai đoạn đầu, nghĩa quân hoạt động ở vùng rừng núi Thanh Hóa (1418-1423), với rất nhiều khó khăn. Về sau, Lê Lợi theo kế sách của tướng Nguyễn Chích đánh chiếm Nghệ An thay đổi địa bàn, chọn nơi đây “làm chỗ đứng chân, rồi dựa vào nhân lực tài lực đất ấy mà quay ra đánh Đông Quan thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ”.
Mở đầu cho kế sách ấy, ngày 20 tháng 9 năm Giáp Thìn (1424) quân ta tập kích phá đồn Đa Căng bên hữu ngạn sông Chu nhờ sự giúp đỡ tích cực của nhân dân địa phương, trong đó có cô gái tên là Hoa Nương. Thông thạo địa bàn, Hoa Nương đã chủ động đến xin dẫn đường cho nghĩa quân tấn công đồn giặc. Khi quân Minh ở nơi khác đến cứu đồn Đa Căng, nàng đã lập kế đánh lừa khiến chúng sa vào trận địa phục kích và bị nghĩa quân đánh bại.
Khâm phục tài trí và sự dũng cảm của cô gái, Lê Lợi đem lòng yêu mến, sau trận Đa Căng ông về làng Hội Hiền khao quân và cùng Hoa Nương hứa hẹn mối duyên cầm sắt. Vì tình thế gấp gáp, việc lớn còn dang dở nên hôn lễ giữa hai người chưa được tổ chức thì Lê Lợi đã phải lên đường, ông đành lưu luyến từ biệt người đẹp, hẹn ngày trở lại đón nàng.
Tại quê nhà, Hoa Nương cùng dân làng tích cực rèn đúc vũ khí, tích góp thóc gạo để hỗ trợ nghĩa quân Lam Sơn nhưng phần vì làm việc quá sức, phần vì thương nhớ người chồng chưa cưới, không lâu sau nàng lâm bệnh rồi mất.
Sau khi quét sạch giặc Minh xâm lược, Lê Lợi lên ngôi, đặt niên hiệu là Thuận Thiên; trong lần trở về quê viếng thăm đất tổ, ông đã ghé qua làng Hội Hiền, nhớ đến Hoa Nương, nhà vua vô cùng thương xót đã lập đàn tế theo nghi lễ tế Hoàng hậu và sắc phong là: “Khai quốc công thần, Quốc mẫu Trinh liệt, Hoàng phi Lê Thị, hiệu Ngọc Ân”.
Đời Lê Trung Hưng, triều đình lại sắc phong cho Hoa Nương là “Tá Thái Tổ Cao Hoàng đế, khai quốc công thần, Hoàng phi trinh liệt tôn thần” để muôn đời tưởng nhớ đến người con gái từ một cuộc đời đến một huyền thoại. |