Lê Ngọc Bình (22/1/1785 - 10/10/1810), còn gọi Lê Đức phi, vốn là công chúa nhà Hậu Lê, là con gái út của vua Lê Hiển Tông, mẹ là Chiêu nghi Nguyễn Thị Điều. Lê Ngọc Bình cùng Dương Vân Nga là hai người phụ nữ nổi tiếng vì làm hậu phi của hai vị vua thuộc hai triều đại khác nhau trong lịch sử Việt Nam. Đặc biệt ở đây lại là nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn, hai triều đại nổi tiếng đối địch tàn khốc trong lịch sử Việt Nam.
Bà là em gái cùng cha khác mẹ của công chúa Lê Ngọc Hân, còn bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Điều là người cùng làng với bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, mẹ của Lê Ngọc Hân.
Năm Cảnh Thịnh thứ 3 (1795), sau khi quyền thần Bùi Đắc Tuyên bị dẹp, Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân tiến cử Ngọc Bình cho Cảnh Thịnh Đế Nguyễn Quang Toản. Công chúa Ngọc Bình trở thành hậu cung của Cảnh Thịnh Đế, tuy nhiên theo Quốc sử di biên, có lẽ bà chỉ là phi tần chứ chưa phải là Hoàng hậu như nhiều thông tin, nhưng điều này còn tồn nghi.
Khi Cảnh Thịnh bị thua phải chạy ra Bắc, không hiểu vì lý do gì, Ngọc Bình và một số cung nữ bị kẹt ở Phú Xuân. Trong bộ sách Quốc sử di biên do Phan Thúc Trực soạn vào năm Tự Đức thứ 4 đến thứ 5 (1851-1852) có đoạn: "Năm Nhâm Tuất, Gia Long năm đầu (1802)... Ngày 21 Canh Thân, Thế Tổ (Gia Long) đến kinh thành Thăng Long, hào mục bắt anh em Nguyễn Quang Toản dâng lên vua... dâng nộp bà phi Lê Thị Ngọc Bình vào trong cung vua...". Gia Long chiếm Phú Xuân, thấy Ngọc Bình trẻ đẹp, ăn nói dịu dàng, dáng điệu thướt tha nên ông quyết định nạp làm phi. Triều thần của vua Gia Long xúm lại can ngăn, họ nói: "Bệ hạ nay có cả thiên hạ, thiếu gì gái đẹp, việc gì phải lấy vợ của giặc làm vợ mình!". Gia Long cười ha hả mà nói: "Đến đất nước của giặc ta còn lấy, huống chi là vợ giặc, ta lấy vợ giặc làm vợ ta thì có sao đâu!".
Mặc dù có lời can ngăn, nhưng sau đó Lê Thị Ngọc Bình vẫn được phong làm Chiêu viên, và sinh được hai hoàng tử nhà Nguyễn là Quảng Uy công Nguyễn Phúc Quân (sinh năm 1809), Thường Tín công Nguyễn Phúc Cự (sinh năm 1810) và 2 công chúa là Mỹ Khê Công chúa Ngọc Khuê và An Nghĩa Công chúa Ngọc Ngôn.
Sách Đại Nam thực lục chép: "Canh Ngọ, Gia Long năm thứ 9 (1810), Chiêu viên là Lê thị (con gái út của Lê Hiển Tông) mất, tặng Đức phi, an táng ở Trúc Lâm, Hương Trà, Thừa Thiên. Lập từ đường ở Kim Long, sau dời qua làng Phú Xuân, nay thờ tại từ đường của Thường Tín Quận Công".
Do phải sinh nở liên tục nên sức khỏe của Ngọc Bình cứ thế yếu dần, cho đến khi qua đời vào năm 1810 khi chỉ vừa bước sang tuổi 25. Bà được Gia Long ban thụy là Cung Thận Đức phi và cho an táng tại làng Trúc Lâm. Tháng 12 năm 2009, tẩm mộ được cải táng về đồi Mâm Xôi, thuộc khu Đồng Chầm, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. |