Kinh phí làm đường sắt cao tốc Bắc Nam? Nhà thầu nào làm? Bao giờ xong?



Sau 20 năm nghiên cứu, liệu trong tháng 10 này, dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam đã được Quốc hội phê duyệt? Đây là một trong những dự án chiến lược của Đường sắt Việt Nam, chính vì vậy "số phận" của dự án cũng đã trải qua rất nhiều giai đoạn nghiên cứu, nâng lên đặt xuống, tranh luận, mổ xẻ chi tiết. Ngày 30/11, Quốc hội sẽ quyết định có làm đường sắt tốc độ cao Bắc Nam hay không, rất nhiều người tin tưởng dự án sẽ được Quốc hội phê duyệt. Cùng VNE+ xem lại quá trình "vất vả" của dự án:

* Giai đoạn 2005-2008: Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) nghiên cứu, ưu tiên triển khai 2 đoạn Hà Nội - Hà Tĩnh và TP.HCM - Nha Trang.

* Giai đoạn 2008-2009: Liên danh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản (VJC), chủ đầu tư là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nghiên cứu. Năm 2010, báo cáo của VJC vượt qua vòng phê duyệt của Hội đồng Thẩm định Nhà nước và Bộ Chính trị tán thành, dự án được trình ra trước Quốc hội. Tuy nhiên, Quốc hội đã không thông qua dự án đường sắt cao tốc, do số phiếu tán thành dưới 50%.

* Giai đoạn 2011-2013: Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nghiên cứu.

* Năm 2017: Liên danh tư vấn TEDI - TRICC - TEDI SOUTH nghiên cứu dự án, từ đây chữ "cao tốc" trong tên được đổi thành "tốc độ cao". Đầu năm 2019, kết quả nghiên cứu tiền khả thi được Bộ GTVT trình lên Chính phủ. Các năm sau đó tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa. Bộ Chính trị đã đưa dự án này ra Trung ương thảo luận và được nhất trí. Bộ GTVT và các đơn vị liên quan xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, chuẩn bị trình tự, hồ sơ thủ tục để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2024.

Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dự kiến dài 1.541 km, đi qua 20 tỉnh thành, số lượng ga bao gồm: 21 ga hành khách; 02 ga hành khách và hàng hóa (Ngọc Hồi, Vũng Áng); 03 ga hàng hóa (Chu Lai, Vân Phong, Trảng Bom). Cụ thể:

Hà Nội (ga hành khách và hàng hóa Ngọc Hồi)
Hà Nam (ga Phủ Lý)
Nam Định (ga Nam Định)
Ninh Bình (ga Ninh Bình)
Thanh Hóa (ga Thanh Hóa)
Nghệ An (ga Vinh)
Hà Tĩnh (ga Hà Tĩnh, ga hành khách và hàng hóa Vũng Áng)
Quảng Bình (ga Đồng Hới)
Quảng Trị (ga Đông Hà)
Thừa Thiên Huế (ga Huế)
Đà Nẵng (ga Đà Nẵng)
Quảng Nam (ga Tam Kỳ, ga hàng hóa Chu Lai)
Quảng Ngãi (ga Quảng Ngãi)
Bình Định (ga Bồng Sơn, ga Diêu Trì)
Phú Yên (ga Tuy Hòa)
Khánh Hòa (ga Diên Khánh, ga hàng hóa Vân Phong)
Ninh Thuận (ga Tháp Chàm)
Bình Thuận (ga Phan Rí, ga Mương Mán)
Đồng Nai (ga Long Thành, ga hàng hóa Trảng Bom)
TP HCM (ga Thủ Thiêm)

Dự kiến nguồn vốn từ ngân sách trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, vốn góp của các địa phương, vốn huy động có chi phí thấp và ít ràng buộc,... Trong quá trình xây dựng và vận hành, sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga; đầu tư thêm phương tiện để khai thác khi có nhu cầu. Sau khi Quốc hội phê duyệt dự án mới tiến hành tìm kiếm các nhà thầu đầu tư, xây dựng.


VNE+ TỔNG HỢP, CẬP NHẬT




Xem thêm