Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là một quốc gia quân chủ chuyên chế liên bang tại Tây Á. Quốc gia này nằm trên bán đảo Ả Rập và giáp với vịnh Ba Tư, có biên giới trên bộ với Oman về phía đông và với Ả Rập Xê Út về phía nam, có biên giới hàng hải với Qatar về phía tây và với Iran về phía bắc. Năm 2013, dân số Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là 9,2 triệu, trong đó 1,4 triệu người có quyền công dân và 7,8 triệu người là ngoại kiều.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là một liên bang gồm bảy tiểu vương quốc, được thành lập vào ngày 2 tháng 12 năm 1971. Các tiểu vương quốc cấu thành là Abu Dhabi, Ajman, Dubai, Fujairah, Ras al-Khaimah, Sharjah và Umm al-Quwain. Mỗi tiểu vương quốc do một vị quân chủ chuyên chế cai trị; họ hình thành Hội đồng Tối cao Liên bang. Một trong các quân chủ được chọn làm tổng thống của liên bang. Hồi giáo là quốc giáo và tiếng Ả Rập là ngôn ngữ chính thức (song tiếng Anh và các ngôn ngữ Ấn Độ được nói phổ biến).
Trữ lượng dầu của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đứng thứ bảy thế giới còn trữ lượng khí đốt thiên nhiên của nước này đứng thứ mười bảy thế giới. Sheikh Zayed là quân chủ của Abu Dhabi và là tổng thống đầu tiên của liên bang, ông giám sát quá trình phát triển của quốc gia và đưa thu nhập từ dầu mỏ đến các lĩnh vực y tế, giáo dục và hạ tầng. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất có nền kinh tế đa dạng nhất trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, và thành phố đông dân nhất liên bang là Dubai cũng là một thành phố toàn cầu quan trọng và là một trung tâm hàng không quốc tế. Tuy thế, quốc gia này vẫn chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất bị chỉ trích do thành tích nhân quyền của họ, bao gồm diễn giải cụ thể Luật Hồi giáo Sharia trong hệ thống pháp lý. Vị thế quốc tế của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đang gia tăng, khiến một số nhà phân tích nhận định rằng đây là một cường quốc khu vực và cường quốc bậc trung.

1 Lịch sử

Trong thời kỳ cổ đại, Al Hasa (nay là tỉnh Đông của Ả Rập Xê Út) là bộ phận của Al Bahreyn và tiếp giáp Đại Oman (nay là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Oman). Từ thế kỷ II CN, các bộ lạc chuyển dịch từ Al Bahreyn hướng đến Vùng Vịnh thấp hơn, cùng với đó là luồng di cư của các nhóm bộ lạc Azdite Qahtani (hay Yamani) và Quda’ah từ tây nam bán đảo Ả Rập hướng đến miền trung Oman. Các nhóm Sassanid hiện diện tại bờ biển Batinah. Năm 637, Julfar (tại khu vực nay là Ra’s al-Khaimah) là một cảng quan trọng, được sử dụng làm điểm dừng chân của quân Hồi giáo đi xâm lược Đế quốc Sassanid Ba Tư. Khu vực Al Ain/Ốc đảo Buraimi được gọi là Tu’am và là một điểm mậu dịch quan trọng đối với các tuyến đường lạc đà giữa duyên hải và nội địa bán đảo Ả Rập.
Thời điểm Hồi giáo truyền bá đến mũi đông bắc của bán đảo Ả Rập được cho là diễn ra ngay sau một lá thư của Nhà tiên tri Hồi giáo Muhammad gửi đến những người cai trị Oman vào năm 630. Tiếp đó có một nhóm người cai trị đi đến Medina, cải sang Hồi giáo và sau đó lãnh đạo khởi nghĩa thành công chống lại Sassanid. Sau khi Muhammad từ trần, các cộng đồng Hồi giáo mới ở phía nam vịnh Ba Tư có nguy cơ tan rã do có các cuộc khởi nghĩa chống các thủ lĩnh Hồi giáo. Khalip Abu Bakr phái một đội quân từ thủ đô Medina, họ hoàn thành tái chinh phục lãnh thổ sau trận chiến đẫm máu tại Dibba khiến khoảng 10.000 người thiệt mạng. Hành động này đảm bảo tính toàn vẹn của Đế quốc Hồi giáo và thống nhất bán đảo Ả Rập dưới quyền Đế quốc Rashidun mới xuất hiện.
Môi trường hoang mạc khắc nghiệt dẫn đến xuất hiện “bộ lạc đa tài”, các nhóm du mục sinh sống nhờ một loạt các hoạt động kinh tế, bao gồm chăn nuôi, trồng trọt và săn bắn. Các nhóm này chuyển dịch theo mùa nên họ thường xuyên xung đột với nhau, và lập ra các khu dân cư và trung tâm mùa vụ và bán mùa vụ. Chúng hình thành các nhóm bộ lạc có danh xưng tồn tại đến nay, trong đó có Bani Yas và Al Bu Falah của Abu Dhabi, Al Ain, Liwa và duyên hải Al Bahrayn, Dhawahir, Awamir và Manasir tại nội địa, Sharqiyin tại duyên hải phía đông và Qawasim ở phía bắc.
Đến thế kỷ XVI, các cảng tại vịnh Ba Tư và bộ phận cư dân tại khu vực nay là duyên hải Iraq, Kuwait và Ả Rập Xê Út nằm dưới ảnh hưởng trực tiếp của Đế quốc Ottoman. Trong khi đó, các lực lượng thực dân Bồ Đào Nha, Anh và Hà Lan cũng xuất hiện tại Vùng Vịnh, còn toàn bộ duyên hải phía bắc vịnh Ba Tư lúc này vẫn do Ba Tư cai quản. Đến thế kỷ XVII, bang liên Bani Yas là lực lượng chi phối hầu hết khu vực nay là Abu Dhabi. Người Bồ Đào Nha duy trì ảnh hưởng đối các khu dân cư duyên hải, xây dựng các công sự sau khi chinh phạt các khu dân cư duyên hải trong thế kỷ XVI, đặc biệt là trên duyên hải phía đông tại Muscat, Sohar và Khor Fakkan.
Duyên hải phía nam vịnh Ba Tư được người Anh gọi là “Duyên hải Hải tặc”, do thuyền của liên bang Al Qawasim (Al Qasimi) có căn cứ tại khu vực này tiến hành quấy nhiễu tàu treo cờ Anh từ thế kỷ XVII cho đến thế kỷ XIX. Các đội viễn chinh Anh bảo vệ tuyến đường đến Ấn Độ trước những kẻ cướp tại Ras al-Khaimah dẫn đến các chiến dịch nhằm vào các trụ sở và bến cảng khác dọc duyên hải vào năm 1809 và sau đó là vào năm 1819. Đến năm sau, Anh Quốc và một số người cai trị địa phương ký một hiệp ước chiến đấu với nạn hải tặc dọc duyên hải vịnh Ba Tư, khiến xuất hiện thuật ngữ “Các Nhà nước đình chiến”, xác định tình trạng của các tiểu vương quốc duyên hải. Các hiệp ước tiếp theo được ký kết vào năm 1843 và 1853.

1.1 Thời kỳ Anh bảo hộ

Nhằm phản ứng trước tham vọng của các quốc gia châu Âu khác là Pháp và Nga. Anh và “Các quốc gia Đình chiến” đã lập quan hệ mật thiết hơn trong một hiệp ước năm 1892. Các sheikh (quân chủ) chấp thuận không chuyển nhượng bất kỳ lãnh thổ nào với ngoại lệ là Anh và không tham gia các mối quan hệ với bất kỳ chính phủ ngoại quốc nào ngoại trừ Anh mà không được Anh đồng ý. Đổi lại, Anh hứa bảo hộ Duyên hải Đình chiến trước toàn bộ các cuộc công kích bằng đường biển và giúp đỡ trong trường hợp có tấn công trên bộ. Hiệp ước này được ký kết bởi các quân chủ của Abu Dhabi, Dubai, Sharjah, Ajman, Ras Al Khaimah và Umm Al Quwain từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 3 năm 1892. Sau đó nó được Phó vương Ấn Độ và Chính phủ Anh tại Luân Đôn phê chuẩn. Do chính sách hàng hải của Anh, các đội tàu ngọc trai có thể hoạt động tương đối an toàn. Tuy nhiên, người Anh cấm chỉ buôn bán nô lệ nên một số sheikh và thương nhân bị mất một nguồn thu nhập quan trọng.
Trong thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, ngành công nghiệp ngọc trai phát triển mạnh, tạo ra thu nhập và việc làm cho cư dân vịnh Ba Tư. Chiến tranh thế giới thứ nhất có tác động nghiêm trọng đến ngành công nghiệp này, rồi nghề này bị xóa xổ do suy thoái kinh tế toàn cầu vào cuối thập niên 1920 và đầu thập niên 1930 cùng với việc phát minh ngọc trai nuôi cấy. Tàn dư của nghề ngọc trai biến mất không lâu sau Chiến tranh thế giới thứ hai khi Chính phủ Ấn Độ đánh thuế nặng ngọc trai nhập khẩu từ Vùng Vịnh. Ngành ngọc trai suy thoái khiến kinh tế Các quốc gia Đình chiến cực kỳ gian khổ.
Người Anh thiết lập một văn phòng phát triển để giúp đỡ các tiểu vương quốc một số phát triển nhỏ. 7 sheikh của các tiểu vương quốc sau đó quyết định thành lập một hội đồng để hợp tác các vấn đề giữa họ và kế tục văn phòng phát triển. Năm 1952, hình thành “Hội đồng Các quốc gia Đình chiến”, và bổ nhiệm Adi Bitar, cố vấn pháp lý của Sheikh Rashid của Dubai, làm tổng thư ký và cố vấn pháp lý của hội đồng. Hội đồng kết thúc khi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất hình thành. Tính chất bộ lạc trong xã hội và việc thiếu xác định biên giới giữa các tiểu vương quốc thường xuyên dẫn đến các tranh chấp, được giải quyết thông qua hòa giải hoặc bằng vũ lực song hiếm thấy.
Năm 1922, chính phủ Anh đảm bảo được cam đoan từ những người cai trị địa phương rằng họ không ký kết nhượng địa với các công ty ngoại quốc. Nhận thức tiềm năng phát triển các tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, Công ty Dầu mỏ Iraq (IPC) do Anh lãnh đạo thể hiện quan tâm đến khu vực, Công ty Dầu Anh-Ba Tư (APOC, sau là BP) có 23,75% cổ phần trong IPC. Từ năm 1935, đạt được đồng thuận với những người cai trị địa phương về nhượng địa khai thác dầu trên bờ, APOC ký kết thỏa thuận đầu tiên. APOC bị ngăn cản độc quyền phát triển khu vực do hạn chế của Thỏa thuận Làn ranh Đỏ, theo đó yêu cầu nó phải hoạt động thông qua IPC. Một số quyền mua bán cổ phần giữa PCL và những quân chủ địa phương được ký kết, cung cấp thu nhập hữu ích cho các cộng đồng từng trải qua bần cùng sau khi ngành ngọc trai sụp đổ.
Khi thu nhập từ dầu tăng lên, quân chủ của Abu Dhabi là Zayed bin Sultan Al Nahyan cho tiến hành một chương trình xây dựng lớn, xây các trường học, nhà ở, bệnh viện và đường sá. Khi Dubai bắt đầu xuất khẩu dầu vào năm 1969, Sheikh Rashid bin Saeed Al Maktoum có thể đầu tư thu nhập từ trữ lượng hạn chế nhằm thúc đẩy đa dạng hóa giúp tạo ra thành phố toàn cầu Dubai ngày nay.

1.2 Độc lập

Đến năm 1966, tình hình trở nên rõ ràng rằng chính phủ Anh không còn đủ khả năng cai quản và bảo hộ khu vực nay là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Ngày 24 tháng 1 năm 1968, Thủ tướng Anh Harold Wilson công bố quyết định của chính phủ, được tái xác nhận vào tháng 3 năm 1971 bởi Thủ tướng Edward Heath là kết thúc các mối quan hệ hiệp ước với bảy tiểu vương quốc Đình chiến cùng với Bahrain và Qatar. Sau công bố này, quân chủ của Abu Dhabi là Sheikh Zayed bin Sultan Al Nahyan do lo ngại bị tấn công nên nỗ lực thuyết phục Anh tôn trọng các hiệp ước bảo hộ bằng cách đề xuất chi trả toàn bộ chi phí duy trì quân đội Anh tại khu vực. Chính phủ Công Đảng của Anh bác bỏ đề xuất. Sau khi Nghị sĩ Công Đảng Goronwy Roberts thông báo cho Sheikh Zayed tin tức về việc người Anh triệt thoái, chín tiểu vương quốc vịnh Ba Tư nỗ lực hình thành một liên minh gồm các tiểu vương quốc Ả Rập, song đến giữa năm 1971 họ vẫn không thể đồng thuận về các điều khoản liên minh dẫu cho quan hệ hiệp ước với Anh sẽ kết thúc trong tháng 12 cùng năm.
Bahrain độc lập vào tháng 8, và Qatar độc lập vào tháng 9 năm 1971. Đến khi hiệp ước các tiểu vương quốc Đình chiến thuộc Anh mãn hạn vào ngày 1 tháng 12 năm 1971, họ trở thành các quốc gia độc lập hoàn toàn. Các quân chủ của Abu Dhabi và Dubai tuyên bố hình thành một liên minh giữa hai tiểu vương quốc, chuẩn bị một hiến pháp, sau đó kêu gọi quân chủ của năm tiểu vương quốc khác họp và trao cho họ cơ hội gia nhập. Hai tiểu vương quốc cũng đồng thuận rằng hiến pháp được viết vào ngày 2 tháng 12 năm 1971. Vào ngày đó, tại Cung điện Nhà khách Dubai, bốn tiểu vương quốc khác đồng ý tham gia một liên minh gọi là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Bahrain và Qatar từ chối lời mời tham gia liên minh. Tiểu vương quốc Ras al-Khaimah tham gia liên minh vào đầu năm 1972.
Ngày 2 tháng 11 năm 2004, tổng thống đầu tiên của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là Sheikh Zayed bin Sultan Al Nahyan từ trần. Con trai cả của ông là Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan kế vị làm Tiểu vương của Abu Dhabi. Theo quy định của hiến pháp, Hội đồng Tối cao với các Tiểu vương của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất bầu Khalifa làm tổng thống. Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan kế vị Khalifa làm Thái tử Abu Dhabi. Tháng 1 năm 2006, Sheikh Maktoum bin Rashid Al Maktoum, thủ tướng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và là quân chủ Dubai, từ trần, và Thái tử Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum đảm nhiệm cả hai chức vụ.
Bầu cử toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào ngày 16 tháng 12 năm 2006. Một lượng nhỏ cử tri được lựa chọn trước sẽ tiến hành bầu ra một nửa thành viên của Hội đồng Quốc gia Liên bang, một cơ cấu cố vấn. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất hầu như tránh được Mùa xuân Ả Rập; tuy nhiên, có trên 100 nhà hoạt động Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất bị tống giam và tra tấn vì họ yêu cầu cải cách. Hơn thế, một số người bị tước quốc tịch.

2 Địa lý

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất nằm tại Trung Đông, giáp với vịnh Oman và vịnh Ba Tư, nằm giữa Oman và Ả Rập Xê Út; đây là một vị trí chiến lược nằm sát phía nam của eo biển Hormuz, một điểm trung chuyển trọng yếu đối với dầu thô thế giới.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất nằm giữa 22°30’ và 26°10’ vĩ Bắc và giữa 51° và 56°25′ kinh Đông. Quốc gia này có 530 km biên giới với Ả Rập Xê Út về phía tây và nam, và có biên giới dài 450 km với Oman về phía đông nam và đông bắc. Liên bang từng yêu sách có biên giới trên bộ dài 19 km với Qatar tại khu vực Khawr al Udayd; tuy nhiên tranh chấp lãnh thổ với Ả Rập Xê Út dường như đã được giải quyết. Sau khi quân đội Anh dời khỏi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào năm 1971, liên bang có tranh chấp chủ quyền một số đảo trong vịnh Ba Tư với Iran và vẫn chưa được giải quyết. Liên bang cũng có tranh chấp chủ quyền với Qatar về một số đảo. Tiểu vương quốc lớn nhất liên bang là Abu Dhabi, chiếm 87% tổng diện tích toàn quốc với 67.340 km², còn tiểu vương quốc nhỏ nhất là Ajman chỉ rộng 259 km².
Bờ biển Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất trải dài trên 650 km dọc bờ nam của vịnh Ba Tư. Hầu hết bờ biển gồm các lòng chảo muối kéo dài xa vào đất liền. Bến cảng tự nhiên lớn nhất nằm tại Dubai, song các cảng khác đã được nạo vét. Các đảo nhỏ, cũng như nhiều rạn san hô và bãi cát di động đe dọa đến tàu thuyền qua lại. Thủy triều mạnh và thi thoảng là gió bão càng làm phức tạp thêm cho tàu thuyền di chuyển gần bờ. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng có một đoạn bờ biển Al Bāţinah ven vịnh Oman, song bán đảo Musandam giáp eo biển Hormuz là một lãnh thổ tách rời của Oman tách biệt qua Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Tại phía tây và nam của Abu Dhabi, các đụn cát lớn và lăn hợp nhất vào Rub al-Khali (miền hoang vắng) của Ả Rập Xê Út. Khu vực hoang mạc Abu Dhabi có hai ốc đảo quan trọng có nước ngầm đầy đủ để cung cấp cho khu dân cư thường trú và canh tác. Ốc đảo Liwa rộng lớn nằm tại phía nam gần biên giới chưa được phân định với Ả Rập Xê Út. Cách 100 km về phía đông bắc là ốc đảo Al-Buraimi, kéo dài hai bên biên giới Abu Dhabi-Oman. Hồ Zakher là một hồ nhân tạo gần biên giới với Oman.
Trước khi rút khỏi khu vực vào năm 1971, Anh Quốc đã vạch ra biên giới nội bộ giữa bảy tiểu vương quốc nhằm ngăn chặn trước các tranh chấp lãnh thổ vốn có thể cản trở việc thành lập liên bang. Về tổng thể, các quân chủ chấp thuận can thiệp của người Anh, song trong trường hợp tranh chấp biên giới giữa Abu Dhabi và Dubai, cũng như giữa Dubai và Sharjah, xung đột về yêu sách không được giải quyết cho đến sau khi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất được độc lập. Biên giới phức tạp nhất là tại Dãy núi Al-Hajar al-Gharbi, tại đó năm tiểu vương quốc tranh giành quyền tài phán đối với hơn một chục vùng đất tách rời.
Trên các ốc đảo, người ta trồng các loại cây chà là, keo acacia và bạch đàn. Trên hoang mạc, thực vật rất thưa thớt và gồm có các loại cỏ và cây bụi gai. Động vật bản địa tiến gần đến tuyệt chủng do săn bắn gia tăng, dẫn đến một chương trình bảo tồn trên đảo Bani Yas do Sheikh Zayed bin Sultan Al Nahyan khởi xướng trong thập niên 1970, khiến cho nhiều loài còn tồn tại, như linh dương sừng thẳng Ả Rập, lạc đà một bướu và báo. Các loại cá và thú ven biển chủ yếu gồm cá thu, pecca, và cá ngừ, cũng như cá mập và cá voi.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất có khí hậu cận nhiệt đới khô hạn với mùa hè nóng và mùa đông ấm. Các tháng nóng nhất là tháng 7 và tháng 8, khi nhiệt độ cao nhất trung bình đạt trên 45 °C tại đồng bằng duyên hải. Tại Dãy núi Al Hajar, nhiệt độ thấp hơn đáng kể, do kết quả của độ cao. Nhiệt độ thấp nhất trung bình vào tháng 1 và tháng 2 là từ 10 đến 14 °C. Trong những tháng cuối hè, gió đông nam ẩm gọi là Sharqi khiến khu vực duyên hải đặc biệt khó chịu. Lượng mưa bình quân năm tại khu vực duyên hải thấp hơn 120 mm, trong khi tại một số vùng núi lượng mưa hàng năm thường đạt 350 mm (13,8 in). Mưa tại các khu vực duyên hải diễn ra trong thời gian ngắn và xối xả trong các tháng mùa hè, đôi khi dẫn đến ngập lụt tại các thung lũng sông thường cạn nước. Khu vực thỉnh thoảng có bão cát dữ dội, làm giảm tầm nhìn nghiêm trọng. Năm 2004, tuyết xuất hiện tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất trong một dịp rất hiếm gặp, tại một số nơi có độ cao lớn trong nước. Một vài năm sau, tuyết và mưa đá được trông thấy nhiều hơn.

3 Chính trị

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là một liên bang của các chế độ quân chủ chuyên chế thế tập. Liên bang nằm dưới quyền quản lý của Hội đồng Tối cao Liên bang gồm có 7 tiểu vương của 7 tiểu vương quốc trong liên minh: Abu Dhabi, Ajman, Fujairah, Sharjah, Dubai, Ras al-Khaimah và Umm al-Qaiwain. Các tiểu vương quốc được giữ lại các trách nhiệm mà pháp luật không trao cho chính phủ quốc gia. Mỗi tiểu vương quốc được phân định cung cấp một tỷ lệ thu nhập cho ngân sách trung ương.
Mặc dù do Hội đồng Tối cao bầu ra, song chức vụ Tổng thống và Thủ tướng về cơ bản là thế tập: tiểu vương của Abu Dhabi giữ chức tổng thống, và tiểu vương của Dubai là thủ tướng. Thủ tướng đồng thời là Phó tổng thống. Sheikh Zayed bin Sultan Al Nahyan là tổng thống của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất từ khi lập quốc cho đến khi ông mất vào ngày 2 tháng 11 năm 2004. Sau đó, Hội đồng Tối cao Liên bang bầu con trai của ông là Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan vào chức vụ này. Thái tử của Abu Dhabi là Mohammed bin Zayed Al Nahyan là người thừa kế.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất triệu tập Hội đồng Quốc gia Liên bang bán tuyển cử vào năm 2006. Hội đồng này gồm có 40 thành viên đến từ tất cả các tiểu vương quốc. Một nửa trong số đó được các quân chủ của họ bổ nhiệm, và một nửa còn lại được bầu cử gián tiếp với nhiệm kỳ hai năm. Tuy nhiên, hội đồng này bị hạn chế với vai trò phần lớn mang tính cố vấn. Chính phủ điện tử Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là phần mở rộng của chính phủ liên bang dưới dạng điện tử.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất thường xuyên được mô tả là nhà nước “độc tài”. Quốc gia này xếp thứ hạng kém về các chỉ số tự do về tự do dân sự và quyền lợi chính trị. Các Tiểu Vương quốc hàng năm đều bị Freedom House xếp hạng là “không tự do” trong báo cáo “Tự do trên Thế giới” của họ.

3.1 Quan hệ đối ngoại

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất có quan hệ ngoại giao và thương mại rộng rãi với các quốc gia khác. Quốc gia này giữ vai trò quan trọng trong OPEC và Liên Hiệp Quốc, và là một thành viên sáng lập Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC).
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất là một trong ba quốc gia từng công nhận Taliban là chính phủ hợp pháp tại Afghanistan (cùng với Pakistan và Ả Rập Xê Út). Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất duy trì quan hệ ngoại giao với Taliban cho đến các vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất có quan hệ mật thiết duy trì trong thời gian dài với Ai Cập và là quốc gia Ả Rập đầu tư lớn nhất vào Ai Cập. Pakistan là quốc gia đầu tiên chính thức công nhận Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất khi liên bang thành lập và tiếp tục là một trong các đối tác kinh tế và mậu dịch chủ yếu của liên bang; có khoảng 400.000 kiều dân Pakistan làm việc tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất chi tiêu nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác để gây ảnh hưởng lên chính sách của Hoa Kỳ và định hướng tranh luận trong nước, và chi trả tiền cho các cựu quan chức cấp cao làm việc với họ để tiến hành nghị trình của liên bang tại Hoa Kỳ. Nhóm ngoại kiều lớn nhất tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là người Ấn Độ. Sau khi người Anh rút đi và liên bang hình thành, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất có tranh chấp chủ quyền với Iran về một số đảo trên Vịnh Ba Tư. Các Tiểu vương quốc còn đưa vấn đề lên Liên Hiệp Quốc, song bị bác bỏ. Tranh chấp không có tác động nghiệm trọng đến quan hệ do có cộng đồng người Iran đông đảo hiện diện và quan hệ kinh tế mạnh mẽ giữa hai quốc gia.
Trong các tranh chấp giữa Iran với Hoa Kỳ và Israel, Iran từng nhiều lần đe dọa đóng cửa eo biển ở cửa Vịnh Ba Tư, một tuyến mua bán dầu quan trọng. Do đó, trong tháng 7 năm 2012, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất bắt đầu vận hành một đường ống dẫn dầu qua đất liền tránh Eo biển Hormuz nhằm giảm bớt bất kỳ hậu quả nào trước khả năng Iran ngăn cách.
Trên phương diện thương mại, Anh và Đức là các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và quan hệ song phương mật thiết trong thời gian dài, một lượng lớn công dân hai quốc gia này cư trú tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Quan hệ ngoại giao giữa Các Tiểu vương quốc và Nhật Bản được thành lập ngay khi liên bang độc lập. Hai quốc gia luôn có mối quan hệ và mậu dịch hữu hảo, xuất khẩu của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất sang Nhật Bản gồm có dầu thô và khí đốt thiên nhiên, còn nhập khẩu từ Nhật Bản là các mặt hàng ô tô và điện tử.

3.2 Quân sự

Pháp và Hoa Kỳ giữ vị thế quan trọng chiến lược nhất trong hợp tác quân sự của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, với các thỏa thuận hợp tác phòng thủ và điều khoản vật tư quân sự. Liên bang từng thảo luận với Pháp về khả năng mua 60 máy bay chiến đấu Rafale vào tháng 1 năm 2013. Liên bang giúp Hoa Kỳ phát động chiến dịch không kích đầu tiên của họ chống các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo tại Syria.
Mặc dù khởi đầu với số lượng nhỏ, song lực lượng vũ trang Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã phát triển đáng kể theo thời gian và nay được trang bị các hệ thống vũ khí hiện đại nhất, mua từ nhiều quốc gia song chủ yếu là Pháp, Hoa Kỳ và Anh. Hầu hết sĩ quan tốt nghiệp từ Học viện Quân sự Hoàng gia Anh tại Sandhurst, những người khác theo học tại Học viện Quân sự Hoa Kỳ tại West Point, Học viện Quân sự Hoàng gia Úc tại Duntroon và Trường Quân sự đặc biệt St Cyr tại Pháp. Pháp mở căn cứ Abu Dhabi vào tháng 5 năm 2009. Trong tháng 3 năm 2011, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất chấp thuận tham gia thi hành vùng cấm bay tại Libya khi phái đi sáu chiếc F-16 và sáu chiếc Mirage 2000. Trong Chiến tranh Vùng Vịnh, Hoa Kỳ cho đóng quân và thiết bị tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và các nơi khác trong Vịnh Ba Tư.
Năm 2015, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tham gia can thiệp quân sự do Ả Rập Xê Út lãnh đạo tại Yemen nhằm chống lại phiến quân Houthis theo Hồi giáo Shia và lực lượng trung thành với cựu tổng thống Ali Abdullah Saleh.

3.3 Phân chia hành chính

Abu Dhabi, Ajman, Dubai, Fujairah, Ras al-Khaimah, Sharjah, Umm al-Quwain.

4 Pháp luật

Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất có một hệ thống tòa án liên bang, cấu trúc tòa án có ba nhánh lớn là dân sự, hình sự và luật Sharia. Hệ thống tư pháp của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất bắt nguồn từ hệ thống dân luật và luật Sharia. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các tòa án hình sự và dân sự tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất áp dụng các yếu tố trong luật Sharia, hệ thống hóa trong bộ luật hình sự và luật gia đình, theo cách thức kỳ thị chống nữ giới.
Đánh roi là hình phạt dành cho các tội hình sự như ngoại tình, tình dục trước hôn nhân và tiêu thụ đồ uống có cồn. Ném đá là một hình thức trừng phạt pháp lý tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, từ năm 2009 đến năm 2013, một số người bị hành quyết bằng cách ném đá. Phá thai là hành động bất hợp pháp và bị trừng phạt 100 roi và lên đến năm năm tù giam. Hình phạt cho tội ngoại tình là đánh 100 roi đối với người chưa lập gia đình và ném đá đến chết đối với người đã kết hôn.
Các tòa án Sharia có thẩm quyền độc quyền đối với các vụ án pháp luật gia đình và cũng có thẩm quyền đối với một số vụ án hình sự khác gồm ngoại tình, tình dục trước hôn nhân, cướp tài sản, tiêu thụ đồ uống có cồn và các tội có liên quan. Luật nhân thân dựa theo Sharia quy định các vấn đề như kết hôn, ly hôn và nuôi con. Luật nhân thân Hồi giáo áp dụng cho người Hồi giáo và đôi khi là cả người phi Hồi giáo. Ngoại kiều phi Hồi giáo có thể phải chịu nghĩa vụ pháp lý đối với các phán quyết theo luật Sharia về kết hôn, ly hôn và nuôi con.
Bội giáo là tội bị tử hình tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Báng bổ tôn giáo là bất hợp pháp; ngoại kiều liên quan đến lăng mạ Hồi giáo sẽ bị trục xuất.
Nữ giới Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cần được người giám hộ là nam giới cho phép để được kết hôn và tái hôn. Yêu cầu này bắt nguồn từ cách diễn giải của liên bang về Sharia, và trở thành luật liên bang kể từ năm 2005. Tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, việc kết hôn giữa một nữ giới Hồi giáo và nam giới ngoại đạo bị trừng phạt theo pháp luật, do được cho là một hình thức “gian dâm”.
Đồng tính luyến ái là bất hợp pháp và là một tội bị tử hình theo luật tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Tuy nhiên, thực tế không xảy ra việc hành quyết. Pháp luật Abu Dhabi quy định xử phạt 14 năm tù với người phạm tội kê gian, còn pháp luật Dubai xử phạt 10 năm tù đối với việc kê gian đồng thuận.
Cắt cụt chi là một biện pháp trừng phạt pháp lý tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, do các tòa án Sharia phán quyết. Đóng đinh cũng là một biện pháp trừng phạt pháp lý tại đây. Bộ luật Hình sự Liên bang bị hủy bỏ chỉ khi các điều khoản trong đó mâu thuẫn với bộ luật hình sự của các tiểu vương quốc, do đó cả hai đều có thể thi hành đồng thời.
Trong tháng Ramadan, sẽ là phạm pháp nếu ăn, uống hoặc hút thuốc công khai từ khi bình minh đến lúc hoàng hôn. Ngoại lệ là phụ nữ mang thai và trẻ em. Pháp luật áp dụng cho cả người Hồi giáo và người phi Hồi giáo, và không tuân thủ có thể bị bắt giữ. Nhảy múa nơi công cộng là phạm pháp tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

5 Kinh tế

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất có kinh tế lớn thứ nhì trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (sau Ả Rập Xê Út), có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 377 tỷ USD (1,38 nghìn tỷ AED) vào năm 2012. Kể từ khi độc lập vào năm 1971, kinh tế Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tăng trưởng gần 231 lần để đạt tới 1,45 nghìn tỷ AED vào năm 2013. Mậu dịch phi dầu mỏ tăng trưởng đạt 1,2 nghìn tỷ AED, tăng khoảng 28 lần từ năm 1981 đến năm 2012. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất xếp hạng 26 trên thế giới về nơi tốt nhất để kinh doanh theo tiêu chí môi trường kinh tế và điều tiết, trong báo cáo năm 2017 của Nhóm Ngân hàng Thế giới.
Mặc dù Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất có nền kinh tế đa dạng nhất trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, song kinh tế quốc gia vẫn cực kỳ phụ thuộc vào dầu mỏ. Ngoại trừ Dubai, hầu hết liên bang dựa vào thu nhập từ dầu. Dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên tiếp tục giữ vai trò trung tâm trong kinh tế, đặc biệt là tại Abu Dhabi. Trên 85% kinh tế Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất dựa vào xuất khẩu dầu theo số liệu của năm 2009. Trong khi Abu Dhabi và các tiểu vương quốc khác vẫn tương đối bảo thủ trong cách tiếp cận để đa dạng hóa, thì tiểu vương quốc có trữ lượng dầu ít hơn nhiều là Dubai đã dũng cảm hơn trong chính sách đa dạng hóa. Năm 2011, xuất khẩu dầu chiếm 77% ngân sách quốc gia của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Các nỗ lực thành công nhằm đa dạng hóa kinh tế giúp giảm tỷ lệ GDP dựa trên sản xuất dầu mỏ. Dubai từng trải qua khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng trong giai đoạn 2007-2010 và được giải cứu nhờ tiền từ dầu của Abu Dhabi. Dubai đang có ngân sách cân bằng, phản ánh tăng trưởng về kinh tế. Du lịch là một lĩnh vực tăng trưởng trong kinh tế Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Dubai là điểm đến du lịch hàng đầu tại Trung Đông. Dubai chiếm đến 66% kinh tế du lịch của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, trong khi Abu Dhabi chiếm 16% và Sharjah chiếm 10%. Dubai tiếp đón 10 triệu du khách trong năm 2013. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất có cơ sở hạ tầng tiến bộ và phát triển nhất trong khu vực. Kể từ thập niên 1980, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã chi hàng tỷ đô la cho cơ sở hạ tầng. Các bước phát triển này là đặc biệt rõ rệt tại các tiểu vương quốc là Abu Dhabi và Dubai. Các tiểu vương quốc còn lại nhanh chóng tiếp bước, cung cấp các ưu đãi lớn cho các nhà phát triển bất động sản nhà ở và thương mại.
Pháp luật Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất không cho phép công đoàn tồn tại. Quyền lợi thương lượng tập thể và quyền đình công không được công nhận, và Bộ Lao động có quyền buộc công nhân quay lại làm việc. Các công nhân nhập cư tham gia một cuộc đình công có thể bị đình chỉ giấy phép lao động và bị trục xuất. Do đó, có rất ít pháp luật chống kỳ thị liên quan đến vấn đề lao động, trong khi công dân liên bang và người Ả Rập Vùng Vịnh khác được ưu tiên trong các công việc khu vực công. Thực tế, hơn tám mươi phần trăm người lao động là công dân liên bang công tác cho chính phủ, nhiều người còn lại tham gia các công ty quốc doanh như Emirates airlines và Dubai Properties.

6 Truyền thông

Truyền thông Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất hàng năm được phân loại là “không tự do” theo báo cáo của Freedom House. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất xếp hạng thấp trong xếp hạng về tự do báo chí thường niên của Phóng viên không biên giới. Dubai Media City và twofour54 là các khu vực truyền thông chủ yếu tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Đây cũng là nơi đặt trụ sở của một số cơ quan truyền thông liên Ả Rập, trong đó có Middle East Broadcasting Centre và Orbit Showtime Network. Năm 2007, Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum ra lệnh rằng các nhà báo không còn có thể thể bị truy tố hoặc bỏ tù vì lý do liên quan đến công việc của họ. Trong thời gian đó, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất quy định sẽ là bất hợp pháp khi phổ biến tài liệu trực tuyến có thể đe dọa đến “trật tự công cộng”.
Việc chỉ trích chính phủ là điều không được phép, chỉ trích các quan chức chính phủ và thành viên hoàng tộc cũng không được phép. Án tù giam được tuyên cho các cá nhân “chế nhạo hoặc làm tổn hại” danh tiếng của quốc gia và “thể hiện khinh thường” tôn giáo. Đã có nhiều vi phạm tự do báo chí có động cơ chính trị, như vào năm 2012 một người sử dụng Youtube bị bắt giữ tại Dubai do sản xuất và tải lên mạng một đoạn phim về việc một người bản địa đánh một công nhân ngoại quốc.

7 Giao thông

Sân bay quốc tế Dubai là sân bay nhộn nhịp nhất thế giới về chuyên chở hành khách quốc tế vào năm 2014, vượt qua London Heathrow. Một tuyến đường sắt toàn quốc dài 1.200 km đang được xây dựng và sẽ liên kết toàn bộ các thành thị và cảng lớn. Dubai Metro là hệ thống đường sắt đô thị đầu tiên tại bán đảo Ả Rập. Các cảng lớn của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là Cảng Khalifa, Cảng Zayed, Cảng Jebel Ali, Cảng Rashid, Cảng Khalid, Cảng Saeed, và Cảng Khor Fakkan.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất có hai công ty khai thác viễn thông là Etisalat và Emirates Integrated Telecommunications Company (“du”). Etisalat khai thác độc quyền cho đến khi công ty thứ nhì khai trương dịch vụ di động vào tháng 2 năm 2007. Số thuê bao internet được dự kiến tăng từ 0,904 triệu vào năm 2007 lên 2,66 triệu vào năm 2012. Cơ quan điều tiết là Cơ quan Quản lý Viễn thông có nhiệm vụ lọc nội dung tôn giáo, chính trị và tình dục.

8 Giáo dục

Hệ thống giáo dục từ cấp trung học trở xuống do Bộ Giáo dục liên bang giám sát, riêng tại tiểu vương quốc Abu Dhabi sẽ do Hội đồng Giáo dục Abu Dhabi quản lý. Hệ thống phổ thông gồm các trường tiểu học, trường sơ trung học và trường cao trung học. Các trường công do chính phủ cấp kinh phí và chương trình đào tạo phù hợp với mục tiêu phát triển của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Ngôn ngữ giảng dạy trong các trường công là tiếng Ả Rập, song tiếng Anh được coi trọng như ngôn ngữ thứ hai. Ngoài ra, còn có một số trường học tư nhân được quốc tế công nhận. Các trường học công tại liên bang miễn học phí cho công dân, trong khi phí tại các trường học tư nhân sẽ khác nhau.
Hệ thống giáo dục bậc đại học do Bộ Giáo dục Đại học giám sát, bộ này chịu trách nhiệm tuyển sinh vào các thể chế đại học của mình. Tỷ lệ người trưởng thành biết chữ vào năm 2011 là 90%. Hàng nghìn công dân đang theo đuổi học tập chính quy tại 86 trung tâm giáo dục người thành niên trên khắp toàn quốc.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất thể hiện quan tâm mãnh liệt đến cải tiến giáo dục và nghiên cứu. Các hành động táo bạo bao gồm việc thành lập các Trung tâm Nghiên cứu CERT, Viện Khoa học và Công nghệ Masdar và Viện Phát triển Doanh nghiệp. Theo QS Rankings, các đại học xếp hạng đầu tại liên bang là Đại học Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (xếp hạng 421-430 toàn cầu), Đại học Khalifa (xếp hạng 441-450 toàn cầu), Đại học Mỹ tại Sharjah (xếp hạng 431-440) và Đại học Sharjah (xếp hạng 551-600).

9 Y tế

Tuổi thọ dự tính khi sinh tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là 77,65 năm (2017). Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong chủ yếu tại đây, chiếm 28% tổng số tử vong; các nguyên nhân chính khác là tai nạn và chấn thương, ung thư, và dị tật bẩm sinh. Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới từ năm 2014,37,2% người thành niên tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất bị béo phì lâm sàng, với chỉ số khối hình thể (BMI) từ 30 trở lên.
Tháng 2 năm 2008, Bộ Y tế công bố một chiến lược y tế 5 năm về linh vực y tế công cộng tại các tiểu vương quốc phía bắc, là những nơi nằm trong phạm vi quyền hạn của bộ này và không có các cơ quan y tế riêng như Abu Dhabi và Dubai. Chiến lược tập trung vào thống nhất chính sách y tế và cải thiện tiếp cận dịch vụ y tế với chi phí hợp lý, đồng thời giảm phụ thuộc vào việc điều trị tại ngoại quốc. Các kế hoạch cấp bộ nhằm tăng thêm số lượng bệnh viện, trung tâm y tế cơ sở.
Việc quy định bảo hiểm y tế bắt buộc tại Abu Dhabi đối với ngoại kiều và người phụ thuộc họ là một động lực chính trong cải cách chính sách y tế. Công dân Abu Dhabi được đưa vào kế hoạch này từ ngày 1 tháng 6 năm 2008 và Dubai tiếp bước cho các nhân viên chính phủ. Cuối cùng, theo pháp luật liên bang, mọi công dân và ngoại kiều tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất sẽ được bảo đảm có bảo hiểm y tế bắt buộc theo một kế hoạch cưỡng chế thống nhất. Liên bang được hưởng lợi từ du khách y tế đến từ các quốc gia Ả Rập Vùng Vịnh khác. Họ thu hút du khách y tế muốn phẫu thuật chỉnh hình, thủ tục tiên tiến, phẫu thuật tim và cột sống, và điều trị nha khoa, do dịch vụ y tế có tiêu chuẩn cao hơn các quốc gia Ả Rập Vùng Vịnh khác.

10 Nhân khẩu

Nhân khẩu của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cực kỳ đa dạng. Năm 2010, dân số liên bang ước tính là 8.264.070, trong đó chỉ 13% có quyền công dân, còn đa phần cư dân là ngoại kiều. Tỷ lệ di cư của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là +11.3‰ vào năm 2016, con số cao hàng đầu trên thế giới. Theo pháp luật liên bang, một ngoại kiều có thể xin quyền công dân Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất sau khi cư trú tại đây trong 20 năm, với điều kiện là cá nhân đó chưa từng bị kết tội và có thể nói thông thạo tiếng Ả Rập. Tuy nhiên, hiện nay quyền công dân không được cấp một cách dễ dàng, và nhiều người sống tại đây trong tình trạng không quốc tịch.
Năm 2013, có khoảng 1,4 triệu công dân Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Theo CIA,19% cư dân có quyền công dân liên bang,23% là người Ả Rập khác (như người Ai Cập, người Jordan) và người Iran,50% là người Nam Á, và 8% là các cộng đồng ngoại kiều khác, trong đó có người Phương Tây và Đông Á (ước tính năm 1982).
Năm 2009, người có quyền công dân liên bang chiếm 16,5% tổng dân số; người Nam Á (Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka và Ấn Độ) tạo thành nhóm lớn nhất, chiếm đến 58,4% tổng dân số; những dân tộc châu Á khác (người Philippines, Iran) chiếm 16,7% còn ngoại kiều Phương Tây chiếm 8,4% tổng dân số.
Ngoại kiều người Ấn Độ và Pakistan chiếm hơn một phần ba (37%) dân số của ba tiểu vương quốc - Dubai, Sharjah, và Ajman theo một số liệu năm 2014. Năm cộng đồng quốc tịch đông đảo nhất tại ba tiểu vương quốc này là người Ấn Độ (25%), Pakistan (12%), Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (9%), Bangladesh (7%), và Philippines (5%).
Người châu Âu ngày càng hiện diện đông đảo, đặc biệt là tại các thành thị đa văn hóa như Dubai. Ngoại kiều Phương Tây, đến từ châu Âu, Úc, Bắc Mỹ và Mỹ Latinh có tổng cộng nửa triệu người. Có trên 100.000 công dân Anh cư trú tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Khoảng 88% dân số Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cư trú tại đô thị. Tuổi thọ dự tính trung bình là 76,7 năm (2012), cao nhất thế giới Ả Rập. Tỷ lệ giới tính nam/nữ là 2,2 đối với tổng dân số và 2,75 đối với nhóm tuổi 15-65, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là quốc gia mất cân bằng giới tính cao thứ nhì thế giới sau Qatar.

10.1 Tôn giáo

Hồi giáo là tôn giáo lớn nhất và là quốc giáo chính thức tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Chính phủ đi theo chính sách khoan dung với các tôn giáo khác và hiếm khi can dự vào hoạt động của những người phi Hồi giáo. Tương tự như vậy, những người phi Hồi giáo được mong đợi tránh can dự vào các vấn đề tôn giáo Hồi giáo hay giáo dục Hồi giáo.
Chính phủ áp đặt các hạn chế về truyền bá các tôn giáo khác dưới bất kỳ phương thức truyền thông nào do nó được cho là một hình thức truyền giáo. Có khoảng 31 nhà thờ Cơ Đốc giáo trên khắp liên bang, một đền thờ Ấn Độ giáo trong khu vực Bur Dubai, một Sikh Gurudwara tại Jebel Ali và cũng có một chùa tại Al Garhoud.
Dựa theo số liệu của Bộ Kinh tế vào năm 2005,76% dân số là tín đồ Hồi giáo,9% là tín đồ Cơ Đốc giáo. và 155 theo các tôn giáo khác (chủ yếu là Ấn Độ giáo). Số liệu thống kê không bao gồm nhiều du khách và công nhân “tạm thời” trong khi tính các tín đồ Baha’i và Druze là người Hồi giáo. Trong số công dân Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất,85% theo phái Hồi giáo Sunni, còn 15% theo phái Hồi giáo Shi’a- hầu hết tập trung tại các tiểu vương quốc Sharjah và Dubai. Các di dân Oman hầu hết theo phái Hồi giáo Ibadi, trong khi ảnh hưởng của Sufi cũng hiện diện.

10.2 Thành phố lớn nhất

Dubai, Abu Dhabi, Sharjah, Al Ain, Ajman, Al Gharbia, Ras Al Khaimah, Fujairah, Dibba, Um Al Quwain.

10.3 Ngôn ngữ

Tiếng Ả Rập là ngôn ngữ quốc gia của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Phương ngữ Vùng Vịnh của tiếng Ả Rập là bản ngữ của công dân Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Từ thời kỳ bị Anh chiếm đóng cho đến năm 1971, tiếng Anh là “ngôn ngữ chung” chủ yếu tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Do đó, kiến thức về ngôn ngữ này là một yêu cầu khi xin hầu hết các công việc bản địa. Các ngôn ngữ thế giới khác hiện diện cùng với các ngoại kiều.

11 Văn hóa

Văn hóa Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất dựa trên văn hóa Ả Rập, và chịu ảnh hưởng từ văn hóa Ba Tư, Ấn Độ và Đông Phi. Kiến trúc Ả Rập và lấy cảm hứng Ba Tư là một phần trong việc thể hiện bản sắc địa phương. Ảnh hưởng của Ba Tư trong văn hóa liên bang có thể thấy rõ trong kiến trúc truyền thống và nghệ thuật dân gian. Chẳng hạn, tháp thông gió đặc trưng trên đỉnh các tòa nhà truyền thống được gọi là barjeel trở thành một điểm nhận dạng của kiến trúc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và được cho là ảnh hưởng từ Ba Tư. Ảnh hưởng này bắt nguồn từ các thương nhân chạy trốn chế độ thuế tại Ba Tư vào đầu thế kỷ XIX và cũng từ các chủ nhân địa phương của các cảng bên bờ vịnh Ba Tư, như cảng Al Qassimi.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất có một xã hội đa dạng. Các ngày lễ lớn tại Dubai gồm có Eid al Fitr đánh dấu kết thúc Ramadan, và ngày Quốc khánh (2 tháng 12) đánh dấu thành lập liên bang. Nam giới Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất ưa chuộng mặc một kandura, là một áo dài trắng đến mắt cá nhân dệt từ len hoặc bông, còn nữ giới mặc một abaya, một áo ngoài đen che kín hầu hết cơ thể.
Thơ phú cổ của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất chịu ảnh hưởng mạnh từ học giả Ả Rập thế kỷ VIII là Al Khalil bin Ahmed. Thi nhân đầu tiên được biết đến trong khu vực là Ibn Majid, sinh khoảng 1432-1437 tại Ras Al-Khaimah. Các nhà văn Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất nổi tiếng nhất là Mubarak Al Oqaili (1880-1954), Salem bin Ali al Owais (1887-1959) và Ahmed bin Sulayem (1905-1976). Ba nhà thơ khác từ Sharjah, gọi là nhóm Hirah, được nhận xét là chịu ảnh hưởng nặng từ thơ ca Apollo và lãng mạn.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất có một số bảo tàng nổi tiếng khu vực, danh tiếng nhất trong đó là khu vực di sản của thành phố Sharjah gồm 17 bảo tàng, nơi này là thủ đô văn hóa của Thế giới Ả Rập vào năm 1998. Tại Dubai, khu vực Al Quoz thu hút một số nhà trưng bày nghệ thuật cũng như bảo tàng, chẳng hạn như Bảo tàng Tư nhân Salsali. Abu Dhabi đã lập nên một khu văn hóa trên đảo Saadiyat. Sáu dự án lớn được lên kế hoạch, trong đó có Guggenheim Abu Dhabi và Louvre Abu Dhabi. Dubai cũng có kế hoạch xây dựng một bảo tàng Kunsthal và một khu nhà trưng bày và nghệ sĩ.
Văn hóa Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là bộ phận của văn hóa Đông Ả Rập. Liwa là một loại hình âm nhạc và vũ đạo trình diễn địa phương, chủ yếu tại các cộng đồng là hậu duệ của người Bantu từ châu Phi. Lễ hội Rock Hoang mạc Dubai cũng là một lễ hội lớn với các nghệ sĩ heavy metal và rock. Điện ảnh Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất rất nhỏ bé song đang phát triển.
Đồ ăn truyền thống của khu vực luôn là gạo, cá và thịt. Thực phẩm của cư dân Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất hầu hết được nhập khẩu từ các quốc gia Tây Á khác và Nam Á gồm Iran, Ả Rập Xê Út, Pakistan, Ấn Độ và Oman. Hải sản là trụ cột trong bữa ăn trong nhiều thế kỷ. Thịt và gạo là các thực phẩm chủ yếu khác; thịt cừu là loại thịt được ưa chuộng hơn, sau đó đến dê và bò. Đồ uống phổ biến là cà phê và trà, có thể cho thêm vào đó bột bạch đậu khấu, nhụy hoa nghệ tây, bạc hà để tạo mùi vị khác biệt. Đồ ăn nhanh trở nên rất phổ biến trong giới thanh niên, đến mức có các chiến dịch nhằm nêu bật mối nguy từ việc tiêu thụ chúng quá mức. Đồ uống có cồn chỉ được cho phép phục vụ tại các nhà hàng và quán rượu khách sạn. Toàn bộ các câu lạc bộ đêm cũng được phép bán đồ uống có cồn. Một số siêu thị có thể bán đồ uống có cồn, song các sản phẩm này được bán trong khu vực riêng. Mặc dù có thể tiêu thụ đồ uống có cồn, song sẽ là bất hợp pháp nếu say ở nơi công cộng hoặc lái xe với bất kỳ dấu vết nào của rượu trong máu.

12 Thể thao

Đua xe công thức 1 đặc biệt phổ biến tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và được tổ chức hàng năm tại Trường đua Yas Marina. Cuộc đua được tổ chức vào chiều tối, và là cuộc đua Grand Prix đầu tiên bắt đầu vào ban ngày và kết thúc vào đêm. Các môn thể thao phổ biến khác gồm có đua lạc đà, huấn luyện chim săn, cưỡi ngựa sức bền, và quần vợt. Tiểu vương quốc Dubai có hai sân golf lớn là: The Dubai Golf Club và Emirates Golf Club.
Bóng đá là môn thể thao phổ biến tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Al Nasr SC, Al-Ain, Al-Wasl, Al-Shabbab ACD, Al-Sharjah, Al-Wahda, và Al-Ahli là các câu lạc bộ nổi tiếng nhất. Hiệp hội Bóng đá Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất được thành lập vào năm 1971, họ tổ chức các chương trình đào tạo trẻ và cải thiện năng lực không chỉ của các cầu thủ, mà còn của các quan chức và huấn luyện viên liên quan đến các câu lạc bộ. Đội tuyển bóng đá quốc gia Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất giành quyền tham gia Giải vô địch bóng đá thế giới vào năm 1990. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất chiến thắng tại Giải vô địch Vùng Vịnh trong hai lần vào năm 2007 tại Abu Dhabi và vào năm 2013 tại Bahrain.
Cricket cũng là một môn thể thao phổ biến tại liên bang, phần lớn là do cộng đồng ngoại kiều từ Nam Á, Anh và Úc. Sân vận động Cricket Sharjah từng tổ chức bốn trận đấu test cricket quốc tế. Sân vận động Cricket Sheikh Zayed tại Abu Dhabi cũng từng tổ chức các trận đấu cricket quốc tế. Dubai có hai sân vận động cricket và một sân thứ ba nằm trong Dubai Sports City. Dubai cũng là nơi đặt trụ sở Hội đồng cricket quốc tế. Đội tuyển cricket quốc gia Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất giành quyền tham dự Giải vô địch cricket thế giới năm 1996 và năm 2015.