El Salvador (tiếng Việt: Cộng hòa En Xan-va-đo) là một quốc gia tại Trung Mỹ. Tên nguyên thủy tiếng Nahuatl của đất này là “Cuzhcatl”, có nghĩa là “Đất của báu vật”. Địa danh này được người Tây Ban Nha phiên âm là “Cutzcatlan”. Sau cuộc chinh phục của người Tây Ban Nha, địa danh được đổi thành Provincia De Nuestro Señor Jesucristo El Salvador Del Mundo tức là “Tỉnh thành của Đức Chúa Ki Tô, đấng Cứu Thế”, sau rút ngắn lại là “El Salvador”. El Salvador nằm bên bờ Thái Bình Dương, giữa Guatemala và Honduras.
1 Lịch sử
Vào thời kì tiền Colombo, vùng lãnh thổ này chịu ảnh hưởng của nền văn minh Maya, rồi đến nền văn minh của người Indian Pipil với việc thành lập vương quốc Cuscatlán (vùng Đá quý). Năm 1524, Pedro de Alvarado, người Tây Ban Nha, chinh phục El Salvador. Quốc gia này thoát khỏi sự cai trị của Tây Ban Nha năm 1821 và trở thành một phần của đế quốc México. Thành viên của Liên hiệp các Tỉnh Trung Mỹ (1823-1838), El Salvador tuyên bố nền cộng hòa năm 1841. Cuối thế kỷ XIX, đất nước lại xảy ra các cuộc xung đột liên tục giữa phe tự do và phe bảo thủ. Dưới chế độ độc tài của Tướng Maximiliano Martinez (1931-1944), nông dân nổi dậy chống đối và bị đàn áp dã man (1932). Năm 1950, Đại tá Oscar Osorio lên cầm quyền và thực hiện những cải cách xã hội. Năm 1972, quân đội áp đặt ứng cử viên của họ để gạt bỏ ứng cứ viên đối lập, José Napoleón Duarte. Từ đó, chiến tranh du kích và khủng bố hoành hành khắp đất nước. Năm 1977, nội chiến bùng nổ. Năm 1979, nhóm đảo chính lên cầm quyền và được Hoa Kỳ ủng hộ. Từ năm 1980, Tổng thống J. N. Duarte tiến hành cải cách ruộng đất. Năm 1992, các cuộc thương lượng giữa Chính phủ với lực lượng du kích kháng chiến đã dẫn đến việc ký hiệp định hòa bình, chấm dứt 11 năm nội chiến. Năm 1994, Armando Calderón Sol đắc cử Tổng thống. Năm 1997, Mặt trận Giải phóng Dân tộc Farabundo Marti chuyển thành một đảng phái chính trị chiếm được 27 trong tổng số 84 ghế trong cuộc bầu cử lập pháp. Năm 1999, Francisco Flores trở thành Tổng thống mới.
2 Chính trị
El Salvador theo chế độ Cộng hoà Tổng thống. Tổng thống vừa là nguyên thủ quốc gia vừa là người đứng đầu Chính phủ, được bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm. Quốc hội: nhất viện gồm 84 nghị sĩ được bầu cho nhiệm kỳ 3 năm và có quyền tái cử. Toà án tối cao: gồm 14 quan toà do Quốc hội bổ nhiệm, ngoài ra có các toà án các cấp. Các đảng phái chính trị: El Salvador theo chế độ đa đảng. Các đảng chính là: Đảng Mặt trận giải phóng dân tộc Pha-ra-bun-đô Mác-ti (FMLN - cầm quyền), Liên minh Cộng hoà Quốc gia (ARENA), Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (PDC), Đảng Hoà giải dân tộ (PCN)...
3 Địa lý
Quốc gia nhỏ và có mật độ dân số cao ở Trung Mỹ; Nam và Tây Nam giáp Thái Bình Dương, Bắc giáp Guatemala, Đông giáp Honduras. Địa hình gồm đồng bằng ven biển với đặc điểm khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, hai dãy núi lửa (đỉnh Santa Ana. 2.386 m) bao quanh vùng cao nguyên có không khí trong lành, nơi dòng sông Lempa chảy ngang qua và tập trung phần lớn dân cư trong nước.
4 Kinh tế
Nền kinh tế El Salvador chủ yếu dựa vào kiều hối từ Mỹ và nông nghiệp với những sản phẩm truyền thống miền nhiệt đới. Từ tháng 1 năm 2001, Chính phủ El Salvador quyết định sử dụng đồng đô la Mỹ thay thế cho đồng colong nội tệ. Nguồn thu nhập ngoại tệ cơ bản của đất nước dựa vào gần 3 tỷ USD kiều hối / năm. Chính phủ El Salvador chủ trương mở thị trường xuất khẩu mới, hỗ trợ đầu tư nước ngoài và hiện đại hoá hệ thống thuế. Nông nghiệp chủ yếu phát triển các loại cây lương thực: ngô, kê, đậu và lúa, mía và cà phê. Đường, bông vải gỗ, cà phê là các mặt hàng xuất khẩu chính. Một số ngành công nghiệp (hóa dầu, lọc dầu, xi măng, dệt...) phát triển nhờ công trình thủy điện sông Lempa. Cuộc nội chiến (1977-1992) đã làm cho đất nước rơi vào tình trạng kiệt quệ. Mặc dầu Chính phủ áp dụng biện pháp khắc khổ và kiểm soát được nạn lạm phát nhưng vẫn không tạo được niềm tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến năm 2016, GDP của El Salvador đạt 26.610 USD, đứng thứ 103 thế giới và đứng thứ 17 khu vực Mỹ Latin. |