Gambia (phiên âm tiếng Việt: Găm-bi-a), tên chính thức Cộng hòa Gambia, là một quốc gia tại Tây Phi, được vây quanh bởi Sénégal với một đường bờ biển ngắn giáp với Đại Tây Dương ở cực tây. Đây là nước nhỏ nhất trên châu Phi lục địa.
Lãnh thổ Gambia trãi rộng ra trên phần đất hai bên sông Gambia, một con sông chảy từ cực đông Gambia và đổ vào Đại Tây Dương. Diện tích Gambia là 10.689 kilômét vuông (4.127 sq mi) với dân số 1.882.450 theo thống kê 2013. Banjul là thủ đô, còn hai thành phố lớn nhất là Serekunda và Brikama.
Gambia tương tự những quốc gia Tây Phi khác ở lịch sử buôn bán nô lệ. Đây cũng là nguyên nhân chính của việc tạo dựng và duy trì một thuộc địa trên sông Gambia, ban đầu được Bồ Đào Nha thực hiện, trong thời kỳ mà nơi này được gọi là ‘A Gâmbia’. Sau đó, vào ngày 25 tháng 5 năm 1765, A Gâmbia được chuyển giao cho thực dân Anh, đồng thời Tỉnh Senegambia được thành lập. Ngày 18 tháng 2 năm 1965, Gambia giành được độc lập từ Vương quốc Liên hiệp Anh. Từ đó, Gambia chỉ có hai lãnh đảo: Dawda Jawara (1970 đến 1994), và Yahya Jammeh, người đã giành được quyền lực trong một cuộc đảo chính khi còn là một nhân viên quân đội trẻ.
Sau cuộc bầu cử năm 2016, hội đồng bầu cử thông báo rằng Adama Barrow là người chiến thắng. Barrow, với 45,5% số phiếu, đã vượt qua Yahya Jammeh (36,7% số phiếu). Một ứng cử viên khác, Mama Kandeh, giành được 17,8% số phiếu.
Kinh tế Gambia chủ yếu là trồng trọt, đánh bắt thủy sản, và đặc biệt là du lịch. Khoảng một phần ba dân số sống dưới ngưỡng nghèo quốc tế 1,25 đô la Mỹ một ngày.

1 Tên

Cái tên “Gambia” xuất phát từ từ Kambra / Kambaa trong tiếng Mandinka, chỉ sông Gambia.

2 Lịch sử

Những thương gia người Ả Rập đã cung cấp những tài liệu viết đầu tiên về khu vực mà nay là Gambia, vào khoảng thế kỷ IX-X. Vào thế kỷ X, các nhà buôn và học giả Hồi giáo đã thành lập những cộng đồng dân cư ở nhiều trung tâm thương mại Tây Phi. Họ xây dựng những tuyến đường thương mại xuyên Sahara, thúc đẩy việc bán nô lệ, vàng và ngà, cũng như mua lại nhiều hàng hóa.
Thế kỷ XI-XII, vua của những vương quốc như Takrur (một vương quốc có trung tâm là vùng sông Sénégal ở phía bắc, Ghana cổ đại và Gao) đã cải đạo sang Hồi giáo, và tin dùng những người Hồi giáo biết tiếng Ả Rập. Đầu thế kỷ XIV, đa phần Gambia hiện nay là một phần của đế quốc Mali. Người Bồ Đào Nha đến vùng này bằng đường biển vào khoảng giữa thế kỷ XV, và bắt đầu làm chủ thương mại.
Năm 1588, António, Viện trưởng Crato đã bán quyền thương mại độc quyền trên sông Gambia cho các nhà buôn người Anh. Thư từ Nữ hoàng Elizabeth I xác nhận điều nằy. Năm 1618, Vua James I của Anh cho một công ty Anh đặc quyền thương mại với Gambia và Bờ Biển Vàng (nay Ghana). Từ 1651 tới 1661, một vài phần của Gambia nằm dưới quyền thống trị của Công quốc Kurzeme và Zemgale, và được mua lại bởi Jacob Kettler, một chư hầu của Thịnh vượng chung Ba Lan và Litva.
Cuối thế kỷ XVII và suốt thế kỷ XVIII, Đế quốc Anh và Đế quốc Pháp liên tục tranh giành nhau quyền ưu thế về chính trị và thương mại trong vùng sông Sénégal và sông Gambia. Đế quốc Anh chiếm Gambia trong một cuộc viễn chinh dẫn đầu bởi Augustus Keppel. Năm 1783 Hiệp định Versailles Đầu tiên cho Anh quyền sở hữu sông Gambia, Pháp giữ một phần nhỏ đất tại Albreda ở bờ bắc con sông. Phần đất này được nhượng lại cho Anh năm 1856.
Khoảng ba triệu nô lệ đã bị bắt đi từ khu vực này trong ba thế kỷ buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương. Trong thời gian trước đó thì không rõ bao nhiêu người đã bị nô lệ hóa từ những cuộc nội chiến và bởi những thương gia Hồi giáo. Đa số nô lệ được những người châu Phi khác bán cho người châu Âu: một số là tù nhân trong các cuộc chiến; một số là người có nợ không trả nổi; và số khác đơn giản là bị bắt cóc.
Thương gia ban đầu đưa nô lệ đến châu Âu để họ làm việc như người hầu cho đến khi thị trường lao động mở rộng ở Tây Ấn và Bắc Mỹ. Năm 1807, Vương quốc Liên hiệp thủ tiêu việc buôn bán nô lệ trên khắp đế quốc, nhưng thất bại trong việc hủy bỏ buôn bán nô lệ tại Gambia. Tàu nô lệ bị chặn lại bởi Hải đoàn Tây Phi của Hải quân Hoàng gia Anh trở lại Gambia. Những người nô lệ tự do được phóng thích tại đảo MacCarthy, nơi họ bắt đầu cuộc sống mới. Anh thành lập Bathurst (nay là thủ đô Banjul) năm 1816.

2.1 Sứ bảo hộ và Thuộc địa Gambia (1821-1965)

Những năm tiếp theo, Banjul nằm dưới quyền của Toàn quyền người Anh tại Sierra Leone. Năm 1888, Gambia trở thành một thuộc địa riêng.
Một hiệp định ký với Cộng hòa Pháp năm 1889 đã thiết lập nên biên giới Gambia hiện đại. Gambia trở thành thuộc địa Gambia thuộc Anh (hay Sứ bảo hộ và Thuộc địa Gambia). Gambia có hội đồng lập pháp và hành pháp riêng năm 1901, và dần có xu hướng tự quan lý. Sau một đợt xung đột ngắn giữa lực lượng thực dân và cư dân bản địa, chính quyền thuộc địa được củng cố vững chắc.
Trong Chiến tranh Thế giới II, có những người lính Gambia tham chiến trong Khối Đồng Minh. Dù họ chủ yếu tham gia tại Miến Điện, một số hy sinh gần với quê nhà hơn, một nghĩa trang tưởng niệm đã được xây dựng tại Fajara (gần Banjul).
Sau Thế Chiến, hiến pháp được sửa đổi. Một năm sau cuộc bầu cử năm 1962, Anh cho phép quyền tự quản hoàn toàn

2.2 Độc lập (1965-nay)

3 Phương tiện truyền thông

Có những lời cáo buộc chính phủ Gambia hạn chế quyền tự do ngôn luận. Một đạo luật được thông qua vào năm 2002 đã lập ra một ủy ban có quyền cấp giấy phép cũng như bỏ tù các nhà báo; năm 2004, thêm một đạo luật nữa cho phép giam cầm những người nổi loạn và phỉ báng chính quyền, cũng như hủy bỏ giấy phép in ấn hay phát thanh truyền hình, buộc các tập đoàn truyền thông phải đóng số tiền gấp năm lần chi phí ban đầu nếu muốn xin giấy phép trở lại.
Ba nhà báo Gambia đã bị bắt giam kể từ sau vụ đảo chính. Có thông tin cho rằng sở dĩ như vậy là vì các nhà báo này đã có lời lẽ chỉ trích chính sách kinh tế của chính phủ, hoặc đã phát ngôn rằng Bộ trưởng Bộ Nội vụ và người đứng đầu ngành an ninh là một trong số những người vạch ra âm mưu đảo chính. Biên tập viên Deyda Hydara bị bắn chết trong một tình huống không được giải thích sau khi đạo luật năm 2004 có hiệu lực.
Mức phí xin cấp phép đối với báo chí và đài phát thanh không hề thấp, và các đài phủ sóng tầm quốc gia bị chính phủ kiểm soát chặt

4 Hành chính

Gambia được chia làm tám vùng địa phương, gồm cả thành phố thủ đô Banjul: Banjul (thành phố), Kanifing, Brikama, Mansa Konko, Kerewan, Kuntaur, Janjanbureh, Basse.

5 Địa lý

Gambia nằm ở Tây Phi, bên bờ Đại Tây Dương, nằm lọt vào giữa nước Sénégal. Lãnh thổ gồm một dải đồng bằng hẹp hai bên bờ sông Gambia, tiến sâu vào đất liền khoảng 330 km. Gambia có nhiều rừng dọc theo sông ngòi và cánh đồng cỏ.
Khí hậu chung cho Gambia là nhiệt đới. Mùa mưa nóng (tháng 6 - tháng 11), mùa khô lạnh hơn (tháng 11 - tháng 5). Lượng mưa trung bình năm từ 750-1.000 mm, vùng ven biển: 1.300-1.500 mm.
Khí hậu ở Gambia là cùng một kiểu với Sénégal, phía Nam Mali và phía bắc Bénin.

6 Kinh tế

Gambia là một nước nghèo, khoáng sản và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác rất hạn chế. Khoảng 75% dân số sống nhờ vào trồng trọt và chăn nuôi. Công nghiệp có quy mô nhỏ, chủ yếu là chế biến lạc, cá và da. Du lịch tương đối phát triển. Ngành thương mại tái xuất khẩu đóng vai trò chủ chốt. Tuy nhiên, việc phá giá đồng franc CFA (50%) vào tháng 1 năm 1994 tạo cơ hội cho hàng hóa Sénégal cạnh tranh mạnh hơn và gây tổn hại cho ngành thương mại tái xuất khẩu của Gambia.
Năm 2010, GDP của Gambia là 1,04 tỉ USD, tăng trưởng 5% so với năm 2009. Về ngoại thương, năm 2010, nước này xuất khẩu được 107 triệu USD bao gồm các mặt hàng như các sản phẩm lạc, cá, bông...
Về nhập khẩu, Gambia phải nhập số lượng lớn các sản phẩm lương thực, hàng chế tạo, xăng dầu, máy móc và thiết bị...từ các nước như Trung Quốc, Sénégal, Brasil, Anh, Hà Lan, Mỹ...với tổng kim ngạch 530 triệu USD.

6.1 Giáo dục

Giáo dục mẫu giáo và tiểu học (6 năm) được miễn phí, bắt đầu từ năm 8 tuổi. Khoảng 1/5 số học sinh học tiếp lên trung học (5 năm). Sau đó, những học sinh tốt nghiệp sẽ được theo học chương trình dự bị đại học (2 năm), số còn lại có thể vào trường trung học kĩ thuật (4 năm). Gambia có một Viện đào tạo Công nghệ và Trường Sư phạm Yundum, không có loại hình đại học tổng hợp.

6.2 Y tế

Gambia có hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia được trang bị khá đầy đủ tại thủ đô Banjul và Combo. Ở các địa phương và vùng thượng lưu các sông, Chính phủ cho xây dựng nhiều trung tâm y tế và cử bác sĩ đến làm việc. Công tác tiêm chủng mở rộng cho người dân cũng rất được quan tâm. Tuy nhiên, do điều kiện vệ sinh và dinh dưỡng kém nên tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh của Gambia vẫn còn cao.

7 Văn hóa

Dù Gambia là quốc gia nhỏ nhất tại châu Phi đất liền, nền văn hóa Gambia lại được ảnh hưởng bởi nhiều nguồn khác nhau. Lãnh thổ quốc gia đơn giản là vùng đất nằm hai bên bờ sông Gambia, vùng nước này quyết định sự tồn tại của Gambia, và được gọi đơn giản là “con Sông”. Nếu không có những rào cản tự nhiên, Gambia đã trở thành nơi định cư của nhiều nhóm dân tộc có mặt trên khắp Tây Phi, đặc biệt là những người ở Sénégal.

7.1 Âm nhạc

Âm nhạc Gambia gắn liền với âm nhạc của Sénégal, nó kết hợp âm nhạc đại chúng phương Tây, với tiếng trống sabar, và âm nhạc người của Wolof và Serer.

7.2 Thể thao

Như nước láng giềng Sénégal, môn thể thao phổ biến nhất ở Gambia là đấu vật. Bóng đá và bóng rổ cũng phổ biến.