Swaziland (phiên âm tiếng Việt: Xoa-di-len), tên mới là eSwatini, tên chính thức là Vương quốc eSwatini, là một quốc gia thuộc khu vực châu Phi. Swaziland là một quốc gia có diện tích tương đối nhỏ và không giáp biển. Nước này giáp với Nam Phi về ba phía bắc, tây, nam và giáp với Mozambique về phía đông. Tên gọi của đất nước này được đặt theo cái tên “Swazi”, một ngôn ngữ thuộc nhóm ngôn ngữ Bantu ở miền nam châu Phi. Swaziland giành được độc lập từ Anh vào ngày 6 tháng 9 năm 1968. Hiện nay nước này là một quốc gia theo chế độ quân chủ chuyên chế. Kinh tế Swaziland phát triển không ổn định và nước này đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng, đặc biệt là đói nghèo và đại dịch HIV/AIDS. Ngày 19 tháng 4 năm 2018, Quốc vương Mswati III thông báo thay đổi tên của Vương quốc Swaziland thành Vương quốc eSwatini, vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Swaziland độc lập. Tên gọi mới eSwatini có nghĩa là “vùng đất của người Swazi” trong tiếng Swazi. Theo lập luận của quốc vương Mswati III, tên cũ “Swaziland” dễ gây nhầm lẫn với “Switzerland” - tên tiếng Anh của nước Thụy Sĩ.
1 Lịch sử
Con người đã xuất hiện ở vùng đất ngày nay là Swaziland từ lâu đời. Những công cụ từ thời kỳ đồ đá có niên đại 200.000 năm trước đã được phát hiện tại đây. Bên cạnh đó, người ta còn phát hiện được rất nhiều những bức tranh vẽ trên đá có niên đại cổ nhất từ 25.000 năm trước tại vùng đất này. Cư dân đầu tiên xuất hiện tại Swaziland là những bộ tộc Khoisan sống bằng nghề săn bắn. Sau đó, một dòng người Bantu rất lớn đã tràn vào vùng đất này. Bằng chứng về sự phát triển của ngành trồng trọt cũng như sử dụng công cụ bằng sắt đã được phát hiện và xác định vào khoảng thế kỷ IV. Bên cạnh đó, những tổ tiên của người Sotho và Nguni cũng đến đây trong khoảng thời gian trước thế kỷ XI. Vương triều Dlamini bắt đầu cai trị Swaziland từ thế kỷ XVIII và được mở rộng vào đầu thế kỷ XIX dưới triều vua Sobhuza I. Thời gian này, người da trắng cũng bắt đầu đến Swziland sinh sống. Vào những năm 1890, nước Cộng hòa Transvaal tuyên bố chủ quyền đối với Swaziland nhưng chưa kịp thiết lập chế độ cai trị tại đây thì cuộc Chiến tranh Boer thứ hai (1899-1902) giữa hai nước cộng hòa của người Boer và người Anh nổ ra. Kết quả người Boer thất bại và Swaziland được đặt dưới chế độ bảo hộ của Liên Hiệp Anh. Nước này giành được độc lập và trở thành một thành viên của Khối thịnh vượng chung Anh vào ngày 6 tháng 9 năm 1968. Từ đó đến nay, Swaziland là một nước theo chế độ quân chủ chuyên chế.
2 Chính trị
Theo thể chế Quân chủ Nghị viện, chế độ lưỡng viện, (từ năm 1973). Hiến pháp được ban hành năm 1968, năm 1973 không có hiệu lực; sau đó là các bản Hiến pháp năm 1978,1992; năm 1996 ban hành Hiến pháp mới. Vua bổ nhiệm Thủ tướng và các thành viên Nội các. Giúp việc cho Vua có Thượng nghị viện gồm 30 thành viên và Hạ nghị viện gồm 65 thành viên. Trong Thượng nghị viện cũng như trong Hạ Nghị viện đều có 10 thành viên do vua bổ nhiệm. Mỗi cộng đồng, trong số 40 cộng đồng bộ lạc lâu đời, bầu 2 thành viên vào cử tri đoàn. 10 thành viên của cử tri đoàn trở thành thượng nghị sĩ. 40 thành viên của cử tri đoàn trở thành hạ nghị sĩ. Không có các đảng chính trị từ năm 1973.
3 Địa lý
Swaziland là một quốc gia có diện tích tương đối nhỏ tại châu Phi. Tổng diện tích của nước này là 17.363 km², đứng hàng 153 thế giới (Xem Danh sách quốc gia theo diện tích). Cảnh quan của Swaziland nhìn chung khá đa dạng. Núi cao tập trung chủ yếu ở khu vực giữa biên giới nước này với Mozambique. Đồng cỏ khô nhiệt đới (savanna) tập trung chủ yếu ở phía đông và phía tây bắc nước này có những cánh rừng mưa nhiệt đới. Có một vài con sông nhỏ chảy qua lãnh thổ Swaziland.
4 Kinh tế
Swaziland là một nền kinh tế nhỏ và nhìn chung còn khá lạc hậu. Hơn 70% dân số của Swaziland sống ở nông thôn và sống bằng nghề trồng trọt. Hạn hán khi xảy ra thường gây ra nạn đói và đe dọa đến cuộc sống của rất nhiều người. Tỉ lệ thất nghiệp của nước này cũng khá cao, lên tới 40% và có tới 70% dân số nước này sống dưới mức 1 dollar Mỹ một ngày. Số lượng việc làm mới không đáp ứng đủ nhu cầu việc làm của người dân. Gia tăng dân số tại nước này càng làm gia tăng áp lực lên những nguồn tài nguyên và các dịch vụ xã hội như giáo dục và y tế. Những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Swaziland không ổn định và khá bấp bênh. Năm 2006, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này là 1,2%. Nền kinh tế Swaziland dựa một phần khá lớn vào ngành sản xuất nước ngọt, xuất khẩu đường, vải sợi, hoa quả đóng hộp. Các mặt hàng nhập khẩu chính của nước này là máy móc, thiết bị, hóa chất và nhiên liệu. Đối tác thương mại chủ yếu của nước này là Nam Phi, bên cạnh đó còn có Liên minh châu Âu và Mỹ.
5 Nhân khẩu
Dân tộc chủ yếu sinh sống tại Swaziland là người Swazi. Bên cạnh đó còn có một số người Zulu và người da trắng thiểu số có gốc Anh và Hà Lan. Tiếng Swazi và tiếng Anh là hai ngôn ngữ chính thức ở Swaziland. Tiếng Zulu và tiếng Tsonga được nói bởi những người dân thuộc các bộ tộc thiểu số này. Theo số liệu tháng 7 năm 2007, dân số của Swaziland là 1.113.066 người. Swaziland là một trong số rất ít nước tại châu Phi có tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên âm. Năm 2007, tốc độ gia tăng dân số của nước này là -0,337%. Nguyên nhân là do tỉ lệ tử tại Swaziland quá cao, chủ yếu là do sự lan tràn của đại dịch HIV/AIDS. Tính đến năm 2013, nước này đã có tới 27.36% người trưởng thành bị nhiễm AIDS, một con số cao đến mức khó tin. Đại dịch AIDS đang trở thành một thảm họa sống còn tại đất nước Swaziland nhỏ bé. 82,70% dân số theo Kitô giáo, làm cho nó là tôn giáo phổ biến nhất ở Swaziland. Anh giáo, Tin Lành, chiếm đa số trong các Kitô hữu (40%), tiếp theo là Công giáo La Mã 20% dân số. Cũng có một số lượng nhỏ hơn các tôn giáo ngoài Kitô giáo trong cả nước như Hồi giáo (0,95%), Đức tin Bahá’í (0,5%), và Ấn Độ giáo (0,15%). |